Câu rao "mua đồ điện cũ" gắn liền với tuổi thơ 8x và 9x đời đầu

6 bầu chọn / điểm trung bình: 2
Ngày đăng: 30/09/2015 - Số lần xem: 5390

Từ những xe kẹo kéo đổi lông gà, lông vịt đến những câu rao vè mua đồ điện cũ tất cả đều nhắc chúng ta nhớ về một thời tuổi thơ "dữ dội".

Xe kẹo kéo đi liền với câu giao thu mua đồng nát:

Nghề đồng nát hay còn gọi là nghề ve chai, thu gom phế liệu. Nghề đồng nát là nghề kén người. Không nhẫn nại, tỉ mỉ, sợ vất vả, khổ sở, không chịu được ánh nhìn khinh khi của người khác,… thì không thể theo nghề này. Bởi vậy, hầu hết những người hành nghề thu mua đồng nát trên từng con đường, góc phố là những người phụ nữ nông thôn lam lũ, cần cù.

Câu giao mua đồ điện cũ gắn liền với tuổi thơ 8x và 9x đời đầu

“Trang thiết bị” hành nghề của họ chỉ lèo tèo vài ba thứ: chiếc xe đạp cà tàng hay đôi quang gánh, một chiếc cân móc nhỏ, vài chiếc bao để đựng phế liệu, và một cọc tiền lẻ. Ngày ngày, từ sáng sớm đến nhá nhem, họ len lỏi vào từng ngõ hẻm để thu mua đủ thứ thượng vàng hạ cám: sách cũ, bìa các tông, đồng nhôm, sắt vụn,… những thứ tưởng chừng vô dụng nhưng vẫn có thể tái sử dụng, tái chế. Có khi, họ dùng bàn tay trần, bới những thứ có thể tái chế được trong những thùng rác ven đường. Cái gọi là đồ bỏ đi của người khác có thể chính là bữa cơm có thịt hay đồng học phí ít ỏi cho những đứa con nhỏ ở quê sớm phải xa mẹ vì gánh nặng mưu sinh.

Ngày còn nhỏ, lũ trẻ xóm trong xóm thường tẩn mẩn thu gom lông gà, lông vịt phơi khô, cất đi để dành; lang thang chân dậu góc tường nhặt những mảnh chai, mẩu sắt vụn... Một buổi sáng nghe tiếng rao: “Lông gà, lông vịt, sắt vụn, mảnh chai... đổi kẹo kéo nào...”, là cả lũ xô nhau chạy đến vây lấy ông kẹo kéo.

Bây giờ, đồng nát không thu gom lông gà, lông vịt, mảnh chai vỡ, và cũng không đổi kẹo nữa. Thậm chí, nhiều người thu mua đồng nát hiện đại còn rao bằng băng casette với những câu vần vè kiểu như:

 

“Bàn là, quạt cháy, máy bơm. Tivi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu màn. Côngtơ, catxet, bộ đàm. Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi...”. “Ai đồng nát, dép rách, nhôm bẹp... bán không”

Khi tiếng nhạc của người mua đồng nát vọng đến là lũ trẻ xóm phố tôi lại chạy ào ra hát nhại: “A! Bà già làm cháy máy bơm... đến rồi” (chúng nhại câu: “Bàn là, quạt cháy, máy bơm...”)

Phải yêu nghề và cần nhiều kỹ năng:

“Nhất nghệ tinh” như những nghề khác, nghề đồng nát cũng đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp khá cao. Nếu thợ đồng nát không tinh mắt phân loại đồ thì sẽ mua phải những loại đồ không bán được, hay chỉ bán được với giá rẻ, thậm chí thấp hơn mua vào. Nghề đồng nát cũng đứng trước những nguy hiểm, độc hại môi trường nhất định. Chưa kể đến có chị em đi buôn đồng nát xa còn có thể bị cướp. Thậm chí có chị còn bị chủ nhà trêu ghẹo, quấy rối. Tuy vậy nhiều chị em không vì thế mà bớt… yêu nghề. Cụ bà Lê Thị Phước, làng Hành Thiện năm nay đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, thỉnh thoảng nhớ nghề cụ lại nhặt nhạnh những đồ cũ trong nhà ra cân đồng nát bán. Nhà cụ, đến nay có 3 đời làm nghề đồng nát. Riêng cụ đã có trên 30 năm lăn lộn với nghề. Kẽo kẹt đôi quang gánh đi thu mua phế liệu, sau khá giả hơn cụ sắm chiếc xe đạp. Tuổi cao, chân tay chậm chạp cụ cho tất cả những gì nhặt nhạnh được vào rổ mang ra bán. “Nhờ nghề đồng nát mà nhiều nhà như chúng tôi có thể vượt qua khó khăn, tu sửa nhà cửa, cho con cái học hành”, cụ cười cho biết. Nếu thợ đồng nát nào mát tay, nhất là các nam đồng nát khi đi thu mua đồ điện cũ biết sửa chữa còn có thể dùng lại làm đồ phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Theo mỗi vòng bánh xe, trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt ngày hôm nay, tiếng rao “ai nhôm đồng, sắt vụn bán đi” của những thợ đồng nát nhọc nhằn; bỏ đằng sau những vất vả, bẩn thỉu của phế liệu, mỗi thợ đồng nát vẫn tìm thấy niềm vui. “Hạnh phúc là được nhìn thấy con cái trưởng thành, dù có phải làm bất cứ công việc gì, miễn là chính đáng bằng mô hôi, công sức, khó khăn gian khổ đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua”, các chị, các bà đồng nát chúng tôi gặp đều có chung tâm sự. Vậy nên, thơm thảo của cuộc đời, đâu phải chỉ làm nên từ địa vị xã hội, từ số tiền kiếm được mà quan trọng hơn, từ tấm lòng, sự hy sinh của mỗi người với nhau. Nghề đồng nát, chất chứa mồ hôi, nước mắt, cực nhọc, vì vậy ngẫm ra thấy sạch sẽ và đáng quý lắm./.

Điện Lạnh Bách Khoa chia sẻ